0965988528

Đăng ký ứng tuyển

Họ và tên đệm *

Năm sinh

Giới tính *

Địa chỉ

Điện thoại *

Ô có dấu * cần điền đầy đủ thông tin

ĐÔI NÉT VỀ QUAN HỆ “TRIỀU CỐNG – THƯƠNG MẠI” GIỮA NHẬT BẢN – TRUNG QUỐC TỪ THẾ KỶ XV ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XVI

Từ “triều cống” trong quan hệ của người đứng đầu các nước xung quanh với Hoàng đế Trung Quốc có ý nghĩa là quan hệ phiên thuộc. Do đó, các nước có quan hệ này, hàng năm (hay khoảng thời gian theo qui định) phải nộp cống phẩm cho Hoàng đế Trung Quốc nên gọi là “triều cống”. Hơn nữa, việc “triều cống” và quan hệ kinh tế, thương mại giữa các nước phiên thuộc và triều đình Trung Quốc thường không liên quan, ràng buộc với nhau.

Tuy nhiên, đến thời nhà Minh, vấn đề này thay đổi khi triều Minh áp dụng nguyên tắc có triều cống mới cho phép buôn bán. Điều này có nghĩa là trong chính sách đối ngoại của triều Minh, các nước bên ngoài nếu thi hành việc đến cống nạp mới được phép buôn bán với Trung Quốc. Bởi vậy, đến triều Minh các hoạt động thương mại tư nhân vốn tương đối tự do trước đó đều bị ngăn cấm vì không hợp pháp. Khi có quốc gia đến cống nạp vật phẩm, triều Minh sẽ có tặng phẩm ban tặng lại, sự trao đổi này có tính chất như một hoạt động thương mại và được nhà Minh miễn thuế. Chính vì lẽ đó, các nước bên ngoài mượn danh nghĩa đến triều cống, ngoài cống phẩm còn mang theo nhiều loại hàng hóa khác để tiến hành trao đổi buôn bán với phía Trung Quốc. Ngược lại, phía Trung Quốc cũng muốn thông qua hoạt động triều cống này để có được những hàng hóa mà nước này không sản xuất được. Như vậy, “Triều cống - thương mại” là những hoạt động thương mại kết hợp với hình thức triều cống chỉ có ở thời nhà Minh. Theo đó, các nước đến triều cống cũng đồng thời tiến hành hoạt động thương mại, bởi đây mới là quan hệ thương mại chính thức được nhà Minh thừa nhận. Đây là nét khác biệt so với các giai đoạn, thời kỳ lịch sử trước đó khi hình thức triều cống và hoạt động thương mại tách biệt nhau.

Như vậy, từ năm 1404, quan hệ ngoại giao chính thức giữa Nhật Bản và Trung Quốc được thiết lập cùng với việc “Triều cống - thương mại” diễn ra giữa hai nước. Về nội dung của “Triều cống- thương mại” được tiến hành theo cách thức, phía nhà Minh phân phát “Khám hợp thương mại”(勘合貿易) cho các nước. “Khám hợp thương mại” là một loại giấy phép của triều cống - thương mại do nhà Minh đưa ra nhằm ngăn chặn hiện tượng giả mạo sứ giả vào cống để rồi buôn bán bất hợp pháp. Nhà Minh qui định các sứ đoàn đến Trung Quốc cần phải kiểm tra “Khám hợp thương mại” tương đồng, nếu không tức là giả vào cống. Mỗi khi sứ đoàn Nhật Bản đến cống triều Minh cần phải mang theo “Khám hợp thương mại”, sau khi phía Trung Quốc đối chiếu với sổ sách gốc thấy không sai mới được tiến hành buôn bán. Ngược lại, các sứ đoàn nhà Minh đến Nhật Bản cũng cần phải mang theo “Khám hợp thương mại” để sau khi đối chiếu không có gì sai với sổ sách gốc của Nhật Bản mới cho phép vào buôn bán. Mỗi khi triều Minh có Hoàng đế mới lên ngôi sẽ đem “Khám hợp thương mại” mới đến Nhật Bản, thu hồi “Khám hợp thương mại” cũ chưa sử dụng. Theo hình thức “Triều cống - thương mại”, mỗi lần sứ đoàn Nhật Bản đến triều cống, phía nhà Minh đều phải bỏ ra chi phí lớn như tặng phẩm cho Tướng quân, các thành viên sứ đoàn, khoản ăn, ở, đi lại của sứ đoàn trong thời gian lưu lại Trung Quốc. Sử sách ghi lại có khi số lượng thành viên sứ đoàn lên đến hàng nghìn người, do đó chi phí từ phía Trung Quốc là rất lớn.

Trên thực tế, nhiều sản phẩm nổi tiếng của Trung Quốc rất được ưa chuộng ở Nhật Bản, bởi vậy phía Nhật Bản tìm nhiều cách thông qua “Triều cống - thương mại” để đưa hàng hóa Trung Quốc vào Nhật Bản. Hàng hóa của Nhật Bản chủ yếu là đồ thủ công mỹ nghệ, kiếm, cung, đồ đồng, tranh vẽ, lưu huỳnh, quạt giấy, ngựa… Trong khi đó, hàng nhập từ Trung Quốc chủ yếu là đồ tơ lụa, tiền đồng, sách, thuốc, đồ sứ, đồ sắt, đồ sơn, phấn trang điểm…Một trong những hàng hóa mà các sứ đoàn Nhật Bản mang về từ Trung Quốc nhiều nhất là tiền đồng và sách. Sở dĩ như vậy là bởi tình hình kinh tế, tài chính của chính quyền Mạc phủ phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung cấp tiền đồng của Trung Quốc. Không khó lý giải điều này vì từ lâu, nhất là từ thế kỷ XV, Nhật Bản dùng tiền tệ Trung Quốc để lưu thông hoạt động thương mại trong và ngoài nước. Ngoài ra, việc “thống nhất quản lý loại hình thương mại này, từ đó đưa đến cho chính quyền Mạc phủ quyền phát hành tiền tệ, quyền ngoại giao và khả năng thống nhất toàn quốc”.

Tác động của “Triều cống - thương mại” không chỉ đối với chính trị, kinh tế hai nước mà còn liên quan tới các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, tôn giáo, kỹ thuật… Quả thực, hoạt động triều cống - thương mại cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Nhật - Trung. Mặt hàng sách Trung Quốc được ưa chuộng ở Nhật Bản bởi tầng lớp thống trị, giới tăng lữ ngoài việc tìm hiểu kiến thức, nền học vấn tiên tiến đương thời còn mong muốn phổ biến sâu rộng Phật giáo và Nho giáo (qua thư tịch nhập về từ Trung Quốc). Nguồn thư tịch mà phía Nhật Bản mua hoặc được ban tặng từ triều Minh hầu hết có giá trị về mặt giáo dục, tư tưởng, tôn giáo, kỹ thuật v.v… do đó đều được khắc in xuất bản lưu hành, phổ biến ngày càng rộng trong toàn quốc. Ngay cả kỹ thuật in chữ rời của Trung Quốc cũng được truyền vào Nhật Bản trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến của Trung Quốc thời Minh cũng du nhập vào Nhật Bản, thậm chí cả kỹ thuật về kiến trúc cũng có ảnh hưởng lớn đến Nhật Bản. Ngược lại, phía Trung Quốc cũng thu được lợi ích qua hoạt động giao lưu với Nhật Bản bởi các sản phẩm hàng hóa, cống vật cũng đáp ứng được phần nào nhu cầu thiết thực của triều đình nhà Minh như vũ khí (kiếm, cung, giáo…) phục vụ cho củng cố vương triều, trấn áp nội loạn ở quốc gia này.

Trong giai đoạn “Triều cống - thương mại”, phía Nhật Bản luôn coi trọng cả mục tiêu chính trị và kinh tế khi mà chính quyền Mạc phủ (và các lãnh chúa phong kiến) đều muốn mở rộng quan hệ chính trị với triều đình nhà Minh để củng cố địa vị thống trị của mình, đồng thời thu được nhiều lợi nhuận thông qua hoạt động thương mại. Trong khi đó, nhà Minh chủ yếu vì mục tiêu chính trị muốn thông qua quyền lực của chính quyền Mạc phủ để giải quyết vấn nạn nghiêm trọng là cướp biển gây bất ổn ở vùng ven biển Trung Quốc và Nhật Bản. Chính vì vậy, năm 1549, triều đình nhà Minh tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ chính thức và phong tỏa ngoại thương với Nhật, qua đó, đặt dấu chấm hết cho phương thức “Triều cống- thương mại” tồn tại giữa hai nước hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, từ góc độ khác cho thấy “Triều cống- thương mại” cũng được xem là một phương thức giao lưu văn hóa chủ yếu giữa Nhật Bản - Trung Quốc giai đoạn này. Sau khi hoạt động “Triều cống- thương mại” chấm dứt, mối quan hệ và giao lưu kinh tế, văn hóa Nhật - Trung không bị gián đoạn mà diễn ra dưới hình thức khác ở các giai đoạn, thời kỳ lịch sử tiếp theo.