Tôn giáo là một hiện tượng xã hội đặc biệt ra đời và tồn tại từ xa xưa cùng nhân loại, là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của một bộ phận đông đảo người dân ở hầu hết các quốc gia. Tôn giáo đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống xã hội nhiều mặt của con người.
Nhật Bản là quốc gia phát triển ở trình độ cao trên nhiều lĩnh vực. Một trong những nguyên nhân tạo nên sự thành công đó là sự tác động của nền văn hóa độc đáo với bản sắc Nhật Bản. Tiếp nhận ảnh hưởng từ các nền văn hóa lân cận, với những giá trị văn hóa, văn minh như Khổng giáo, Phật giáo... người Nhật đã tạo nên một nền văn hóa đặc sắc, đậm tính dân tộc, được thế giới trân trọng. Phật giáo ngay từ đầu hòa nhập cùng nền văn hóa bản địa đã trở thành bộ phận không tách khỏi lịch sử, văn hóa và con người Nhật Bản. Phật giáo đã góp phần quy tụ, tập hợp sức mạnh toàn dân tộc tạo lập nên một quốc gia Nhật Bản thống nhất. Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, cùng với việc thay đổi chính sách tôn giáo và tác động từ sự phát triển như vũ bão của đời sống kinh tế - xã hội ở Nhật Bản, các nhóm độc lập mới tách ra từ các tổ chức tôn giáo cũ và các tổ chức tôn giáo mới đăng ký hoạt động tăng nhanh, trong đó không ít tổ chức thuộc hệ Phật giáo. Các tổ chức này đã có những hoạt động thiết thực đóng góp cho xã hội những lợi ích cụ thể, như các phong trào vận động vì hòa bình, bảo vệ môi trường, vận động cải cách giáo dục... Đây là những vấn đề nổi cộm của Nhật Bản sau chiến tranh.Tuy nhiên, cũng có không ít những vấn đề phức tạp như xuất hiện ồ ạt các tổ chức mới, sự tham gia của một số tổ chức tôn giáo vào đời sống chính trị... Song chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách hiệu quả trong lĩnh vực quản lí tôn giáo, vừa đảm bảo nguyên tắc tự do tôn giáo, vừa duy trì những sinh hoạt tôn giáo trong vòng trật tự, phát huy mặt tích cực của tư tưởng Phật giáo.
Một vài nét chính về lịch sử Phật giáo ở Nhật Bản
Phật giáo được truyền bá vào Nhật Bảnqua bán đảo Triều Tiên muộn hơn nhiều so với Việt Nam. Cho tới nay, thời điểm Phật giáo vào Nhật Bản được coi là năm 538 sau Công nguyên, vua Bách Tế (một vương quốc thuộc bán đảo Triều Tiên) cử đoàn sứ thần sang Nhật Bản, trong đó có cả các nhà sư cùng với tặng phẩm là bức tượng Phật bằng vàng và một bộ kinh Phật[1]. Tuy vậy, trong dân gian, Phật giáo đã được truyền bá từ trước đó vào thông qua những người nước ngoài. Phật giáo đã từng bước hiện diện trong đời sống xã hội ở Nhật Bản. Thời kỳ đầu, Phật giáo chỉ có ảnh hưởng đối vớigiới quí tộc, sau đó mới dần truyền bá trong tầng lớp bình dân. Người có vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của Phật giáo Nhật Bản thời kỳ này là Thái tử Shotoku (聖徳太子- Thánh Đức Thái tử). Bên cạnh đề cao tôn giáo truyền thống là Thần đạo, Thái tử Shotoku đã ban bố Hiến pháp 17 điều, trong đó ghi rõ: “Dốc lòng tín ngưỡng nơi Tam bảo, qui y theo Phật, Pháp, Tăng. Dứt bỏ tà tâm, tuyệt đối tuân theo giáo lý nhà Phật". Đây là bằng chứng khẳng định có tính pháp lý về vị trí của Phật giáo tại Nhật Bản thời đó.
Cho tới nay, Phật giáo Nhật Bản đã trải qua gần hai nghìn năm lịch sử với nhiều thăng trầm. Thời kỳ Nara (奈良, 710- 794), Phật giáo có vị trí như một tôn giáo nhà nước, phát triển mạnh mẽ và khá đa dạng, với 6 tông phái chủ yếu bao gồm : Tam Luận tông (三論宗), Thành Thực tông (成実宗), Câu Xá tông (倶舎宗), Pháp Tướng tông (法相宗), Hoa Nghiêm tông (華厳宗), Luật tông(律宗), được gọi chung là “Nam Đô lục tông ". Phật giáo Nhật Bản mang màu sắc nhập thế, nhằm đi vào lòng người thuộc mọi đối tượng. Với hai khuynh hướng: khuynh hướng cung cấp những dịch vụ thiết thân như chữa bệnh, làm lễ trong đám tang, vỗ về người sống bằng các nghi lễ cầu hồn nhằm tạo sự an tâm về sự quấy rối của linh hồn khi có người chết[2] …cho quảng đại quần chúng và khuynh hướng phục vụ những người coi thế giới này là ảo và chất đầy sự đau khổ, đem lại cho họ nhận thức và phương tiện để giải thoát, Phật giáo Nhật Bản nhanh chóng được cả giới cầm quyền và đông đảo người dân chấp nhận.Điều đáng chú ý là trong số các tôn giáo lớn trên thế giới, Phật giáo chủ trương hoằng hóa[3], phổ độ[4] bằng con đường hòa bình. Chủ trương này được khởi xướng từ việc tôn trọng cá nhân, đức tin của cá nhân. Theo Phật giáo, đã là một tín niệm, không thể cưỡng bức mà là quá trình tự giác. Điều này có thể không tìm thấy ở những tôn giáo khác khi các tôn giáo này chỉ thừa nhận bản thân mình là duy nhất, ngoài nó là “tà đạo”, “dị đạo”. Hơn nữa, với phương châm “Tùy duyên phương tiện ” trong tu hành, trong hoằng dương Phật pháp[5] mà Phật giáo nhanh chóng thích ứng với tín ngưỡng bản địa, trở thành một bộ phận văn hóa ở những nơi nó có mặt. Ở Nhật Bản, Phật giáo kết hợp chặt chẽ với tín ngưỡng bản địa là Thần đạo để tạo thành một tín ngưỡng độc đáo là tín ngưỡng Thần Phật tập hợp ngay từ ngày đầu du nhập. Tới thời kỳ Heian (平安, 794- 1185), Phật giáo xuất hiện thêm ba tông phái, đó là Thiên Thai tông (天台宗)và Chân Ngôn tông (真言宗), Tu Nghiệm đạo(修験道).Bước sang thời kỳ Kamakura (鎌倉,1185-1333), xuất hiện thêm phái Tịnh Thổ tông(浄土宗), Tịnh Thổ Chân tông (浄土真宗), Nhật Liên tông (日蓮宗),Thiềntông (禅宗).Tới thời kỳ Nam- Bắc triều (南北朝, 1336- 1392,là giai đoạn đầu của thời kỳ Muromachi)và Muromachi (室町)(1334- 1573), xã hội xảy ra nhiều hỗn loạn, Thiền tông, Nhật Liên tông và Tịnh Độ tông phát triển mạnh mẽ. Đến thời kỳ Edo (江戸,1600- 1868), để tiêu diệt tận gốc Cơ Đốc giáo, Mạc phủ Tokugawa lợi dụng Phật giáo, đề ra chế độ Danka (檀家- Đàn gia),bắt buộc người dân phải đăng ký vào một ngôi chùa và cung cấp nuôi sống nhà chùa, tăng lữ Phật giáo có quyền quản lý về hộ tịch, hộ khẩu[6]. Cuối thời Edo, chủ nghĩa “Tôn vương nhượng di ” xuất hiện, chính quyền Mạc phủ phải trao trả lại quyền lực cho Thiên hoàng. Từ đây, chiến dịch bãi Phật phát triển, truyền thống Thần- Phật hợp nhất dần dần bị mai một, nhường chỗ cho sự khôi phục vị thế của Thần đạo thời kỳ Minh Trị duy tân(明治, 1868- 1912). Để củng cố quyền lực, chính quyền Minh Trị đã lợi dụng đức tin vào Thần đạo để thiết lập cơ cấu chính trị ổn định tập trung vào Thiên hoàng. Trong bối cảnh như vậy, Phật giáo lâm vào một giai đoạn khó khăn, song vẫn kiên trì bền bỉ, tiến hành các biện pháp phản đối những chính sách hà khắc của chính phủ. Do vậy, năm 1889, Hiến pháp được ban bố đã có điều 28 quy định tín ngưỡng tự do. Để tồn tại trong bối cảnh mới, Phật giáo Nhật Bản đã tự thích nghi và đổi mới, nhiều sư tăng đã du họcchâu Âu, đem về nước một phương pháp học thuật mới, cải cách giáo dục Phật giáo và hướng hoạt động Phật giáo vào hoạt động thế tục. Tình hình đó đã hình thành ở Nhật một phong trào nhập thế chưa từng có, làm tiền đề cho những hoạt động tham chính về sau của một số tổ chức Phật giáo, tiêu biểu là Soka Gakkai (創価学会- Sáng Giá Học Hội). Thời kỳ Taisho (大正, 1912- 1926), do quá trình tiếp xúc văn hóa Đông- Tây, xuất hiện hàng loạt tông phái, hội đoàn mới, các tông phái này khá chú trọng vào việc xây dựng, củng cố tổ chức. Phật giáo Nhật Bản lần đầu tiên đã có tổ chức thống nhất lấy tên là “Hội Liên hiệp Phật giáo ” (1915). Cũng từ thời kỳ này, Phật giáo Nhật Bản bắt đầu truyền bá ra nước ngoài, ở Trung Hoa, Triều Tiên, Đài Loan, Mỹ…
Diện mạo Phật giáo Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ II
Trước Chiến tranh Thế giới II, các tông phái Phật giáo chính thức được công nhận bao gồm 13 tông 56 phái. Sau khi Nhật Bản bại trận trong cuộc Chiến tranh Thế giới II, quân đội Đồng minh do Mỹ đứng đầu đã tiến hành một loạt thay đổi quan trọng, trong đó có việc xóa bỏ nguyên tắc “tế chính nhất trí” ,(祭政一致 -dùng tôn giáo để phục vụ cho sự thống trị, được giới cầm quyền Nhật Bản áp dụng triệt để cho đến trước năm 1945). Tháng 12 năm 1945, Thần đạo Quốc gia đã bị giải thể, để xác lập tự do tín ngưỡng, tất cả các tôn giáo đều bị tách khỏi nhà nước. Luật về đoàn thể tôn giáo nhằm kiểm soát tôn giáo trong chiến tranh đã bị bãi bỏ. Như vậy, chế độ tôn giáo nhà nước đã tồn tại suốt mười mấy thế kỷ ở Nhật Bản bị bãi bỏ, các tôn giáo có quyền quyết định hướng đi và nắm lấy cơ hội phát triển cho mình, không can dự vào chính trị mà chỉ thuần tuý hoạt động về tư tưởng, tinh thần. Hiến pháp công bố năm 1947 đã quy định rõ tự do tín ngưỡng và tách biệt chính trị với tôn giáo. Song điều này cũng gây ra những khó khăn không chỉ cho Thần đạo, mà cả cho Phật giáo và các tôn giáo khác, do trước đó họ đều được sự bảo trợ của chính phủ. Những đặc quyền đặc lợi của một số tông phái đã bị xoá bỏ. Mặc dù vậy, các tổ chức Phật giáo dần dần hồi phục được vị trí vốn có của mình, từ 13 tông 56 phái phân phái thành 28 tông phái. Kể từ khi Luật pháp nhân tôn giáo ( 宗教法人法) ban hành năm 1951, quyền kinh doanh hợp pháp của các hoạt động kinh tế của các tổ chức tôn giáo nói chung, trong đó có Phật giáo đã được xác nhận, đây là một trong những nguyên nhân chính đã thế tục hóa các tổ chức Phật giáo sau Chiến tranh. Trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng nhanh với công cuộc hiện đại hoá đất nước, kéo theo quá trình đô thị hoá đã tạo nên những xáo trộn trong tổ chức tín đồ của các tông phái. Nhiều thanh niên rời nông thôn và các thành phố tỉnh lẻ tập trung về các thành phố lớn, tình trạng di chuyển dân số giữa thành thị và nông thôn đã gây ra sự suy giảm dân số tại vùng nông thôn và tỉnh lẻ, dẫn tới cấu trúc gia đình truyền thống (đa thế hệ) ngày càng giảm xuống, các mối quan hệ truyền thống, sự ràng buộc theo đơn vị cộng đồng kiểu làng quê đã không còn nữa. Các tín đồ sau khi di chuyển tới các thành thị, không còn liên hệ chặt chẽ với ngôi chùa cũ ở quê nhà, các gia đình của một chùa chỉ tới thăm viếng chùa trong dịp lễ Obon[7] (お盆)hoặc dịp lễ Higan[8] (彼岸). Chế độ Danka [9] bị suy giảm ảnh hưởng,song các ngôi chùa Phật giáo đã có những thay đổi để theo kịp với thời đại mới. Họ biến những khoảng đất nhà chùa thành nơi làm dịch vụ trông giữ xe, thực hiện những dự án xây nhà cao tầng vừa là nơi thánh thất vừa là nơi cho thuê hoặc thực hiện những dịch vụ thương nghiệp, cải thiện kinh tế thông qua các hoạt động truyền giáo, các dịch vụ tang lễ, lễ O Bon hay Higan, tổ chức dịch vụ đám cưới theo kiểu Phật giáo, tài trợ cho các sự kiện văn hóa, lập ra dịch vụ tư vấn qua điện thoại... Người dân tìm đến với Phật giáo để tìm chỗ dựa tinh thần và giảm bớt những căng thẳng phát sinh do đời sống xã hội công nghiệp hiện đại.Hàng loạt đoàn thể tôn giáo mới ra đời như Reiyukai (霊友会 –Linh Hữu hội), Rissho Kosei-kai(立正佼成会 – Lập Chính Giảo Thành hội), Soka Gakkai (創価学会- Sáng Giá Học Hội)...đã phát triển nhanh chóng nhờ thích ứng với nhu cầu thiết thực của người dân và cách tổ chức, truyền đạo vô cùng linh hoạt. Số lượng tổ chức Phật giáo tăng rất nhanh, trước năm 1945, ở Nhật Bản chỉ có 20 tổ chức Phật giáo được Nhà nước chính thức công nhận, thì cho tới năm 2004, số tổ chức Phật giáo có tư cách pháp nhân là 77.492[10]. Đến năm 2008, số tổ chức Phật giáo có tư cách pháp nhân có tăng nhẹ, lên tới 85.897, chiếm 42,5% tổng số tổ chức tôn giáo đang hoạt động có tư cách pháp nhân.Song mâu thuẫn giữa các phái bảo thủ của Phật giáo truyền thống và phái cấp tiến của đoàn thể tôn giáo mới đã xuất hiện. Từ năm 1951, các đoàn thể tôn giáo mới thành lập giáo hội "Hội liên lạc đoàn thể tân tôn giáo Nhật Bản " có chức năng là cơ quan liên lạc, trao đổi, còn các tông phái Phật giáo truyền thống thì cho ra đời "Hội Phật giáo Toàn Nhật Bản"vào năm 1954. Hai cơ quan này hoạt động đồng thời và đều hướng tới mục tiêu cơ bản là phát triển Phật giáo và hoà đồng vào cộng đồng Phật giáo toàn thế giới. Về sau, để duy trì vị trí quan trọng của mình, các tông phái Phật giáo truyền thống đã từng bước đổi mới, lập ra các tổ chức có tên là Phong trào như Phong trào Hộ pháp của Nhật Liên tông, Phong trào Tam Tôn Phật Phụng tế của Tào Động tông…Phật giáo luôn là lực lượng tôn giáo đông đảo nhất, với các đại diện là phái Nhật Liên, Tịnh Thổ, Thiền, Chân Ngôn…, hơn một nửa dân số Nhật Bản là tín đồ tại gia của Phật giáo.Phật giáo Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới II đã có đóng góp to lớn cho các hoạt động từ thiện xã hội, phong trào vì hoà bình... và hướng tới mục tiêu đưa Phật giáo đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của dân chúng.