0965988528

Đăng ký ứng tuyển

Họ và tên đệm *

Năm sinh

Giới tính *

Địa chỉ

Điện thoại *

Ô có dấu * cần điền đầy đủ thông tin

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA LUẬT QUYỀN TÁC GIẢ NHẬT BẢN

Với sự phát triển ngày càng cao của khoa học kĩ thuật, những vấn đề liên quan đến bảo vệ sự lao động sáng tạo của con người ngày càng được đề cao đặc biệt là tại các quốc gia phát triển, trong đó có Quyền tác giả. Tác phẩm văn học nghệ thuật thường phản ánh đời sống thường nhật của con người cũng như nội tâm của con người tại quốc gia đó, vậy nên những tác phẩm sáng tạo này mang một giá trị to lớn đối với đời sống tinh thần của con người. Vì vậy, Nhật Bản rất quan tâm đến việc bảo hộ Quyền tác giả. Việc bảo hộ đối với tác phẩm văn học ở Nhật có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với tác giả mà còn cho cả người đọc, các nhà xuất bản. Nhật Bản là quốc gia phát triển và rất coi trọng đến lao động sáng tạo của con người, điều này được chứng minh thông qua việc Nhật Bản đã có lịch sử hình thành và phát triển Luật Quyền tác giả lâu dài.

1. Lịch sử hình thành Luật Quyền tác giả

Trên thế giới, Quyền tác giả đã được hình thành từ lâu. Vào thế kỉ 15, Johannes Gutenberg đã phát minh ra kỹ thuật in, từ đó việc xuất bản đã mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế. Xuất phát từ nhu cầu bảo hộ lợi ích kinh tế đó, những người làm nghề xuất bản đã có đề xuất cần thiết để bảo hộ quyền lợi riêng biệt của ngành này. Vì vậy, ở thời điểm đó mong muốn có chế độ quyền lợi của tác giả nhiều hơn là chế độ quyền lợi của người làm nghề xuất bản.

Quyền liên quan tác phẩm sáng tạo văn hóa học thuật được thừa nhận với tư cách là một quyền tài sản bắt đầu được thực hiện ở nước Anh và Pháp. Ở Anh, pháp lệnh Anne (Copyright Act 1709 Anne c.19, Statute of Anne) hay còn được gọi là Luật Quyền tác giả đầu tiên ra đời năm 1709 thừa nhận quyền lợi của tác giả. Đây là lần đầu tiên pháp lệnh về một độc quyền sao chép của tác giả được công nhận. Tác giả sau đó nhượng quyền này lại cho nhà xuất bản. Sau một thời gian được thỏa thuận trước tất cả các quyền lại thuộc về tác giả. Tác phẩm phải được ghi vào trong danh mục của nghiệp hội các nhà xuất bản và phải có thêm ghi chú copyright để được bảo vệ. Hơn nữa sau một thế kỉ từ sắc lệnh này, Chế định Luật Quyền tác giả năm 1804 đã quy định thời gian tồn tại của Quyền tác giả là trong suốt quãng đời của tác giả và 7 năm sau khi tác giả chết, dài hơn 42 năm so với sắc lệnh 1709. Ở Pháp, để giải quyết quyền độc chiếm xuất bản của các cơ sở, doanh nghiệp xuất bản (Corporation), quyền lợi của tác giả đối với tác phẩm đã được đề xướng[1].

Sự phát triển của một loạt Luật Quyền tác giả ở các nước phương Tây đã ảnh hưởng đến sự hình thành của hệ thống Luật Quyền tác giả ở Nhật Bản. Vào cuối thời kì Tokugawa đã có Luật lệ quản lí liên quan đến xuất bản, cùng với Quyền liên quan của Luật Quyền tác giả được tập hợp thành Pháp lệnh Xuất bản ban hành vào năm 1869 (Minh Trị 2). Pháp lệnh này quy định cả việc bảo vệ quyền tác giả và các quy định về xuất bản. Năm 1887, phần quyền tác giả của Pháp lệnh này được tách ra thành một luật mới được gọi là Pháp lệnh Quyền tác giả, và đây được cho là Luật Quyền tác giả đầu tiên tại Nhật Bản[2].

Với sự kiện Nhật Bản tham gia Công ước Berne năm 1899, đã đặt ra việc Nhật Bản phải có sự điều chỉnh Luật cho phù hợp với các quy định của Công ước Berne. Pháp lệnh Quyền tác giả đã được thay đổi toàn bộ thành Luật Quyền tác giả năm 1899, văn bản luật này được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Công ước Berne để đáp ứng cho việc Nhật Bản gia nhập Công ước này. Luật Quyền tác giả năm 1899 (sau đây gọi là Luật Quyền tác giả cũ) được gọi là Luật Quyền tác giả hiện đại đầu tiên của Nhật Bản phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về bảo hộ Quyền tác giả[3].

2. Phát triển hệ thống Luật Quyền tác giả

2.1. Giai đoạn từ năm 1899 đến thập niên 1970

Sau khi hình thành, Luật Quyền tác giả năm 1899 đã được sửa đổi nhiều lần để mở rộng phạm vi bảo hộ Quyền tác giả và để tạo điều kiện bảo hộ được rộng hơn. Năm 1908, Nhật Bản đã thông qua Đạo Luật Berlin của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Việc tham gia Công ước Bern có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo hộ tác phẩm nước ngoài tại Nhật Bản cũng như bảo hộ tác phẩm Nhật Bản tại nước ngoài, vì Công ước Berne công nhận Quyền tác giả của các tác phẩm xuất bản tại các quốc gia khác cùng tuân thủ công ước này và Quyền tác giả theo công ước Berne được bảo hộ tự động. Năm 1910 công trình kiến ​​trúc đã được thêm vào như là một loại đối tượng của quyền tác giả để được bảo vệ. Năm 1920, quy định bảo hộ buổi biểu diễn âm nhạc nhằm chủ yếu chống lại việc định hình[4] âm thanh trái phép.

Năm 1931, Nhật Bản đã thông qua Công ước Rome (sửa đổi Đạo luật Berne) về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng của Công ước Berne vào năm 1928. Cũng trong năm đó, bảo hộ quyền nhân thân được mở rộng, các quyền phát sóng được giới thiệu, việc bảo vệ các tác phẩm điện ảnh cũng được quy định.  Năm 1934, quyền công bố đã được giới thiệu. Các quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, mà bây giờ được bảo hộ như quyền liên quan được quy định.

Ngoài với những sửa đổi trên, Luật Kinh doanh liên quan Quyền tác giả đã được ban hành vào năm 1939. Luật này quy định về quản lý tập thể của các tác phẩm âm nhạc, văn chương và kịch vì lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng, nhằm khai thác hợp lý của các tác phẩm[5].

2.2. Giai đoạn từ thập niên 1970 đến trước năm 1996

Luật Quyền tác giả cũ vẫn có hiệu lực đến những thập niên 1970 thế kỉ XX mặc dù đã được sửa đổi nhỏ nhiều lần, tuy nhiên, với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của phương tiện kĩ thuật và truyền thông, một số quy định trong Luật Quyền tác giả cũ đã trở nên lạc hậu so với những sự phát triển này.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cải cách hệ thống quyền tác giả một cách triệt để. Đáp ứng những yêu cầu của Chính phủ, các cuộc thảo luận tại Hội đồng Hệ thống quyền tác giả được bắt đầu từ năm 1962, và Ban soạn thảo trong Chính phủ đã soạn thảo một Luật Quyền tác giả hoàn toàn mới vào năm 1966 dựa trên báo cáo kết quả thảo luận của Hội đồng này. Dự thảo luật được đệ trình Quốc hội và phê duyệt trong năm 1970, và đầu năm 1971 Luật Quyền tác giả mới chính thức được ban hành.

Các đặc điểm chính của Luật Quyền tác giả mới gồm (1) các quyền nhân thân và các quyền tài sản đã được xác định rõ ràng với mục đích tăng cường quyền tác giả; (2) thời hạn bảo hộ tác phẩm đã được mở rộng từ 30 năm thành 50 năm sau khi tác giả mất; (3) quy định chi tiết các ngoại lệ của Quyền tác giả cho phép việc sử dụng các tác phẩm trong trường hợp đặc biệt như phục vụ cho việc sử dụng cá nhân, trong thư viện, cho các mục đích giáo dục (tuy nhiên, có các giới hạn về  điều kiện trong trường hợp trên được quy định nghiêm ngặt và trong một số trường hợp người sử dụng nghĩa vụ phải trả thù lao khi sử dụng tác phẩm); và (4) Quyền liên quan được quy định mới để bảo vệ quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng (nhằm để tuân thủ các nghĩa vụ theo Công ước Rome).

Luật Quyền tác giả mới có quy định chi tiết khác như sau: khai thác tác phẩm bắt buộc phải có giấy xin phép trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả không biết; hệ thống đăng ký (đăng ký ngày xuất bản đầu tiên, tên thật của tác giả, chuyển nhượng quyền tác giả mà không bắt buộc phải có đủ điều kiện sở hữu) và một hệ thống trọng tài để giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền tác giả. Ngoài ra, Luật Quyền tác giả mới kết hợp tăng cường chế tài hình sự về hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Để theo kịp với sự phát triển của công nghệ và những thay đổi trong nền kinh tế-xã hội và các phong trào quốc tế sau năm 1971, Luật Quyền tác giả mới đã được sửa đổi một số lần. Cụ thể là với lần sửa đổi năm 1984, đã giới thiệu về các quyền cho thuê tác phẩm; năm 1985, làm rõ các quy định việc bảo vệ chương trình máy tính; năm 1986, làm rõ các quy định việc bảo vệ cơ sở dữ liệu; năm 1988, tăng cường các biện pháp phạt hình sự (chống lại sự sở hữu bản lậu với mục đích phân phối), mở rộng thời hạn bảo hộ quyền liên quan từ 20 lên 30 năm; năm 1991, mở rộng thời hạn bảo hộ quyền liên quan từ 30 năm lên 50 năm.

2.3. Từ năm 1996 đến nay

Năm 1996, với việc tham gia “Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ” (Agreement on Trade – Related Aspects of Irs – Hiệp định TRIPs), Nhật Bản đã mở rộng phạm vi hồi tố để bảo vệ quyền liên quan bên ngoài nghĩa vụ theo Hiệp định TRIPs. Năm 1997, xác lập quyền có thể được chuyển giao. Năm 1999, sửa đổi Luật để phù hợp với Hiệp ước WIPO[6] về quyền tác giả (WIPO Copyright Treaty - WCT) và Hiệp ước WIPO về Biểu diễn và Bản ghi âm (WIPO Performances and Phonograms Treaty - WPPT) đồng thời xác lập quyền mới là quyền chuyển quyền sở hữu.

Năm 2000, quy định về ngoại lệ của quyền tác giả đối trong trường hợp khai thác các công trình cho những người khiếm thị và khiếm thính. Năm 2002, xác lập quyền mới sang các tổ chức phát thanh truyền hình và tổ chức sử dụng hệ thống khuếch tán, thay đổi của thời điểm bắt đầu của thời hạn bảo vệ bản ghi âm. Năm 2003, quy định giới hạn về quyền phục chế để chuẩn bị cho sách giáo khoa và truyền tải thông tin công cộng tại các cơ sở giáo dục. Năm 2004, xác lập quyền mới là quyền cho thuê sách và tạp chí. Năm 2006, hình thành các quyền hạn chế, chẳng hạn như truyền dẫn tương tác sách kỹ thuật số ghi lại cho người khuyết tật, để có quyền này cần  nộp hồ sơ thủ tục kiểm tra văn bằng bảo hộ và thủ tục phê duyệt. Việc sửa chữa, bảo trì máy móc để sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vi phạm quyền tác giả sẽ được coi như một hành vi cấu thành hành vi vi phạm về quyền tác giả và quyền liên quan.

Năm 2007, hình thành điều luật phòng chống việc ghi hình trái phép phim ở rạp chiếu phim nhằm đảm bảo cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh và văn hóa. Năm 2008, mở rộng các ngoại lệ về Quyền tác giả phát sinh phục vụ chuẩn bị in sách giáo khoa học và cho sử dụng mục đích nghiên cứu cho trẻ em khuyết tật, khiếm thị hoặc học sinh. Năm 2009, các biện pháp bảo hộ để sử dụng tác phẩm dễ dàng hơn thông qua Internet và những ngoại lệ, các biện pháp ngăn chặn sự phân phối bất hợp pháp các tài liệu của quyền tác giả được quy định. Các hành vi được coi là cấu thành hành vi vi phạm về quyền tác giả như là: Cung cấp hoặc bán các tác phẩm vi phạm quyền tác giả qua Internet được coi là hành vi xâm phạm, việc tải bất hợp pháp các hình ảnh, âm nhạc và đoạn phim thông qua Internet được coi là hành vi xâm phạm nếu dành cho mục đích sử dụng cá nhân.

Năm 2012, quy định thực hiện các nghĩa vụ để tăng cường bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan như thêm các biện pháp công nghệ bảo vệ cho quyền tác giả và quyền liên quan, bổ sung các hình phạt hình sự đối với việc tải nhạc hay tải bộ phim được tải lên Internet bất hợp pháp[7]. Cùng với việc gia nhập Hiệp ước Bắc Kinh về nghe nhìn biểu diễn được thông qua tại Hội nghị WIPO vào tháng 6 năm 2012, việc bảo vệ theo Luật Quyền tác giả cũng được cấp cho các buổi trình diễn của công dân các Bên ký kết Hiệp ước hoặc bởi những người biểu diễn có thường trú tại các Bên ký kết Hiệp ước. Nhật Bản cũng sửa đổi các quy định liên quan đến quyền công bố để phù hợp với việc phát triển của sách điện tử  như  thiết lập quyền công bố, nội dung của quyền công bố, nghĩa vụ xuất bản và yêu cầu chấm dứt quyền công bố.

Trong tháng 10 năm 2015, các nước đã đạt được thỏa thuận phác thảo đối với Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký kết vào tháng 2 năm 2016. TPP yêu cầu (1) Gia hạn thời hạn bảo hộ cho các tác phẩm có Quyền tác giả…; (2) Một số tội phạm vi phạm Quyền tác giả sẽ bị truy tố mà không cần khiếu nại chính thức; (3) Cải tiến hệ thống biện pháp công nghệ để quản lý hiệu quả việc sử dụng các tác phẩm có Quyền tác giả,... (kiểm soát truy cập); (4) cấp tiền thù lao cho các khoản phí sử dụng trực tuyến phân phối âm nhạc; và (5) cải tiến hệ thống thiết lập trước các thiệt hại[8].

Để đáp ứng các điều trên, Tiểu ban Các vấn đề về Pháp luật, Phân ban Bản quyền của Hội đồng Văn hoá đã tiến hành kiểm tra dựa trên ý kiến ​​đóng góp từ các tổ chức có liên quan, vào tháng 2 năm 2016 đã biên soạn "Báo cáo về Cách cải thiện hệ thống đáp ứng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)". Để cải thiện các hệ thống cần thiết được đề xuất trong báo cáo này, "Dự luật xây dựng các luật liên quan đi kèm với việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương" bao gồm sửa đổi một phần Luật Quyền tác giả đã được đệ trình lên phiên họp lần thứ 190 của Quốc hội.

Tiểu ban Bản quyền của Hội đồng Văn hoá đã thảo luận rất nhiều vấn đề liên quan đến Quyền tác giả nhằm đáp ứng sự tiến bộ nhanh chóng của xã hội kỹ thuật số và mạng lưới công nghệ, cũng như nhu cầu xã hội và được mô tả trong Chiến lược Sở hữu Trí tuệ. Vào ngày 25 tháng 4 năm 2014, sửa đổi một phần Luật Quyền tác giả được phê chuẩn bởi Kỳ họp Thông thường 186 của Quốc hội (Luật số 35 năm 2014) Sửa đổi các điều khoản liên quan đến quyền xuất bản để phản hồi lại sách điện tử và các quy định này có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2015: Để cho phép chủ sở hữu bản quyền thiết lập quyền xuất bản trên "xuất bản điện tử" dành cho nhà xuất bản và để cho phép các nhà xuất bản yêu cầu ngừng truyền tải trái phép trên Internet, luật bản quyền chỉ cung cấp cho ấn bản in, kiểm tra và sửa đổi đã được thực hiện sao cho chủ sở hữu bản quyền có thể thiết lập quyền công bố cho người có trách nhiệm cung cấp sách điện tử trên Internet. Hơn nữa, các sửa đổi cũng được đưa ra về các quy định về nội dung quyền xuất bản, nghĩa vụ công bố, và yêu cầu chấm dứt quyền xuất bản,... trong trường hợp có quyền xuất bản sách điện tử[9].


Như vậy, Nhật Bản đã có lịch sử hình thành Luật Quyền tác giả khá sớm từ việc tiếp nhận và học hỏi các quy định của pháp luật nước ngoài vào cuối thời kì Tokugawa và liên tục có sự thay đổi, bổ sung phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Đồng thời với việc gia nhập nhiều Công ước, Hiệp định quốc tế về Quyền tác giả từ rất sớm, Nhật Bản đã có sự điều chỉnh pháp luật phù hợp nhằm bảo hộ Quyền tác giả dễ dàng hơn ở trong nước và nước ngoài. Do vậy, Nhật Bản hiện nay đang là một trong những nước có cơ chế bảo hộ Quyền tác giả chặt chẽ và nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Việc bảo hộ như vậy vừa đảm bảo và khuyến khích được sự sáng tạo của tác giả, qua đó hoàn thiện được pháp luật Quyền tác giả nói riêng và hệ thống pháp luật Nhật Bản nói chung.